Quản lý Tăng sự – Những thành tựu và thách thức trong giai đoạn mới

fbd9653c4d23947dcd32

1. Dẫn nhập

Ban Tăng sự là một trong những ban mũi nhọn và quan trọng trong hệ thống tổ chức Giáo hội, tác động trực tiếp đến đời sống chư Tăng Ni và sinh hoạt tự viện. Được thành lập vào nhiệm kỳ đầu của Giáo hội từ năm 1981, với sự đóng góp trí tuệ, công sức và tâm huyết của các thế hệ chư tôn giáo phẩm lãnh đạo, Ban Tăng sự từng bước đi vào hoạt động ổn định và thực hiện nhiều điều chỉnh phù hợp theo sự phát triển của Giáo hội.

Ngày nay, nếp sống xã hội liên tục có nhiều biến động, quan điểm về các chuẩn mực đạo đức có những đổi thay nhất định và điều này ảnh hưởng đến sinh hoạt Tăng đoàn, tự viện. Qua đó, buộc hoạt động của Ban Tăng sự đứng trước nhiều thách thức nhằm đảm tính bao quát, toàn diện và hướng đến mục đích cao nhất đó mà tính cương kỷ, sự ổn định, góp phần vào quá trình phát triển, lớn mạnh của ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2. Những đóng góp cơ bản của Ban Tăng sự

Tại Việt Nam, công đồng Tăng Ni có sự phát triển mạnh thời gian qua là minh chứng cho một thiết chế quản lý Tăng sự hoàn thiện hơn vừa giúp nếp sống Tăng đoàn ổn định, thanh tịnh, hòa hợp vừa phát huy vai trò hoằng pháp lợi sanh của người xuất gia. Đến nay, cả nước có gần 55.000 Tăng Ni tu học, sinh hoạt tại gần 18.500 tự viện – một con số ấn tượng so với những gì đã được thống kê từ ngày Giáo hội được thành lập. Chính số lượng chư Tăng Ni đông đảo, hiện diện khắp các tỉnh thành trong cả nước, xuất thân từ nhiều truyền thống tu tập khác nhau là áp lực lớn trong công tác điều hành của Ban Tăng sự nhằm duy trì sự thống nhất và hài hòa giữa các thành viên. Tuy vậy, bằng nỗ lực của toàn ngành, tình hình sinh hoạt của chư Tăng Ni, tự viện trên cả nước ổn định, đoàn kết và hòa hợp; nhiều vị Tăng Ni được tạo điều kiện tham học để nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh; nhiều cơ sở tự viện được tôn tạo, trùng tu khang trang giúp cho điều kiện sống và tu học được nâng lên rõ nét.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ giữa Ban Tăng sự Trung ương và các tỉnh, thành, hàng năm công tác tổ chức An cư kết hạ diễn ra quy củ, giúp duy trì nếp sống đặc thù của Tăng đoàn và có những điều chỉnh phù hợp trong 2 năm đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Bằng sự hướng dẫn xuyên suốt đó mà mỗi năm có khoảng 45.000 Tăng Ni tham gia khóa An cư tập trung hoặc tại chỗ theo đúng luật chế định. Ngoài ra, cũng từ sự hướng dẫn của Ban Tăng sự TW, trong 5 năm qua đã có 48/63 tỉnh, thành được phép tổ chức 70 Đại giới đàn với trên 23.500 Tăng Ni được thọ giới, làm hành trang cho con đường tu học và hành đạo. Quy trình tổ chức, nghi thức truyền giới tại các Đại giới đàn đi vào quy củ, đúng với sinh hoạt thiền môn, tạo nên những ấn tượng tốt đối với các giới tử lĩnh thọ giới pháp và cũng là Phật sự giúp bổ sung nguồn nhân lực để tiếp nối sự nghiệp của thế hệ đi trước.

Về phương diện hành chính, Ban Tăng sự đã hoàn thiện quy trình tiếp nhận, cấp mới, cấp đổi các giấy tờ liên quan đến Tăng Ni như: Giấy chứng nhận Tăng Ni, chứng điệp thọ giới, chứng điệp an cư… Đặc biệt, Giáo hội đã từng có Nghị quyết đề cập đến tiến trình xây dựng kế hoạch chi tiết thiết lập phần mềm quản lý và cấp đổi Giấy chứng nhận Tăng Ni, Chứng điệp thọ giới, An cư kết hạ mới và kế hoạch tổ chức tổng thống kê Tăng Ni, tự viện toàn quốc. Đây là một dự án lớn và đang trong quá trình chuẩn bị nghiêm túc, cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau để mang lại kết quả tốt, hoàn thiện nhất.

Ngoài ra, sau thời gian dài soạn thảo, lấy ý kiến nhiều cấp trên cở sở kế thừa các văn bản từ những nhiệm kỳ trước đây và có nghiên cứu, bổ sung các quy điều mang tính thời sự, tác động trực tiếp đến đời sống của chư Tăng Ni, sinh hoạt của tự viện; Nội quy Ban Tăng sự TW nhiệm kỳ 2017 – 2022 được ban hành gồm 15 chương, 95 điều đề cập đến tổ chức, quyền hạn của Ban Tăng sự TW và các tỉnh, thành; thành phần Tăng Ni trong Giáo hội; tài sản và quản lý tự viện; quyền khiếu nại của trụ trì tự viện; các vấn đề liên quan đến xuất gia, cầu thầy y chỉ, hoàn tục, bổ nhiệm trụ trì, tấn phong giáo phẩm, an cư và giới đàn; sắc phục, hoạt động, khen thưởng và kỷ luật Tăng Ni. Đây là văn bản được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, chu đáo và đầy tinh thần cầu thị, có xét đến các yếu tố khác nhau để bảo thi hành, áp dụng trong thực tiễn, giải quyết rất nhiều vấn đề chuyên ngành còn tồn động trong quá khứ.

3. Một số thách thức và đề xuất,

Dù nhận sự quan tâm hết mực của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo và có sự cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao độ trong tất cả các Phật sự nhưng vì là lĩnh vực hoạt động rộng, trực tiếp ảnh hưởng đến yếu tố con người – chư Tăng Ni, tự viện nên công tác Tăng sự của Giáo hội đang đối mặt với các thách thức trong giai đoạn mới với các đề xuất hoàn thiện như sau:

3.1. Có dấu hiệu giảm lượng Phật tử phát tâm xuất gia,

Theo dõi các báo cáo thường niên của Giáo hội có thể nhận ra rằng, số lượng tín đồ tại gia phát tâm xuất gia trở thành Tăng Ni hiện đang giảm về số lượng. Nếu như trong năm 2019, trên cả nước có đến 1.699 Cư sĩ phát tâm xuất gia, đứng vào hàng ngũ Tăng đoàn thì con số này tương ứng của năm 2020 là 1.132 Cư sĩ và năm 2021 là 685 Cư sĩ. Thực trạng này đã từng được nêu ra trong Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam nhưng đến nay vẫn không mấy khả quan và cần được xem xét nghiêm túc. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là phương pháp gia giáo tại tự viện, mối quan hệ thầy trò và việc nuôi dạy chúng điệu chưa như mong muốn, không bắt kịp đà tiến bộ xã hội. Qua đó đã làm cho nhiều bậc phụ huynh, người có hảo tâm xuất gia cảm thấy sinh hoạt thiền môn không còn hấp dẫn, mất dần lý tưởng. Từ thực tế này cho thấy đã đến lúc phải có khảo sát trọn vẹn và đưa ra các điều chỉnh về môi trường tu học tự viện Phật giáo, vừa giữ truyền thống cốt yếu do Phật chế định vừa cập nhật phù hợp với xã hội.

3.2. Tác động tiêu cực của tiến bộ công nghệ số,

Những tiến bộ của công nghệ số đã mang đến nhiều tiện ích và thuận lợi đối với sự phát triển của con người, xã hội mà sinh hoạt Tăng Ni, tự viện cũng không ngoại lệ. Minh chứng rõ nét nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19 vào giữa năm 2020 và 2021, chính công nghệ số đã giúp kết nối thông tin giữa con người với nhau mà không có bất kỳ rào cản nào. Nhờ đó, cả xã hội vực dậy, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định mọi thứ.

Tuy vậy, vẫn có đâu đó những thành viên Tăng đoàn thiếu chính niệm, sử dụng công nghệ số không phù hợp với nhu cầu và mục đích vì lợi ích chung đã để lại cái nhìn không đúng đắn về người xuất gia và uy tín của Giáo hội. Trong thời gian qua, các cấp Giáo hội liên tục tập huấn và có những chỉ dẫn về mặt tiêu cực này. Nhờ đó tạo ra một số chuyển biến tích cực nhưng vẫn cần có sự đầu tư hơn nữa để loại hẳn những hiểu lầm về Tăng Ni, tự viện.

3.3. Sự phân bố Tăng Ni, Tự viện chưa đồng đều,

Đến nay, 63/63 tỉnh thành của đất nước đã có tổ chức Giáo hội sinh hoạt ổn định có và nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Việc hoàn thiện hệ thống hành chính Giáo hội là mốc son lịch sử, thể hiện nỗ lực hết mực của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử; giúp cho sinh hoạt Phật giáo hiện diện từ miền xuôi đến miền ngược, từ đất liền ra hải đảo, biên giới.

Trong chiều hướng đó, vấn đề khó khăn hiện nay đối với các vùng cao, vùng sâu nơi tổ chức Giáo hội còn non trẻ do thiếu chư Tăng Ni dấn thân hành đạo, bám trụ với bà con để đưa đạo vào đời, lan tỏa những giá trị nhân bản, từ bị và trí tuệ của Phật giáo đến với quần chúng nhân dân. Việc thiếu hụt này bắt nguồn từ việc thiếu cơ quan điều phối, kêu gọi Tăng Ni dấn thân về vùng khó khăn như tỉnh Quảng Bình từng làm; tạo nên hệ lụy là một bộ phận Tăng Ni tự ý đến địa phương khác mua đất, cất am cốc sinh hoạt riêng lẻ, không tham gia với Giáo hội địa phương. Giải pháp tốt cho vấn đề này trước hết là cần có chính sách, cơ quan điều phối để hình thành nên phong trào kêu gọi Tăng Ni trẻ về vùng sâu, vùng xa.

3.4. Tiếp tục tu chỉnh Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

Nội quy Ban Tăng sự Trung ương qua một nhiệm kỳ áp dụng đã giúp điều chỉnh nhiều vấn đề mà thực tiễn trước đó gặp khó khăn như đã được đề cập ở phần trên. Để văn bản này tiếp tục mang tính khả thi, hiệu quả trong áp dụng, đặt biệt là Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX này sẽ thông qua Bản tu chỉnh Hiến chương với nhiều điều khoản mới, cần tiến hành bổ sung cho Nội quy các điều khoản về Giáo dục lý tưởng xuất gia; trách nhiệm của nghiệp sư, bổn sư đối với đệ tử xuất gia trong công tác thuyên chuyển Tăng Ni…

4. Kết luận.

Xã hội luôn vận động, thay đổi và hoạt động của các cấp Giáo hội nói chung, Ban Tăng sự nói riêng cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với xu thế, nhu cầu của Tăng Ni, tự viện. Đây là điều tất yếu không thể tránh khỏi, một mặt đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Tăng Ni, tự viện. Mặt khác giúp cho hoạt động của Ban Tăng sự ngày càng hoàn thiện và phát triển.

(Theo Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học)

© ChùaVN 2022. All Rights Reserved. Chính sách bảo mật thông tin
Phát triển và cúng dường bởi totdep.vn