Tọa lạc tại số 92 đường Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM, Chùa Giác Ngộ là một trong những ngôi chùa Việt Nam hiện đại và nổi tiếng đối với Phật tử tứ phương.

Lịch sử chùa Giác Ngộ

Vào những năm 1946, nhờ có sự hữu duyên với Phật pháp, cư sĩ Trần Phú Hữu đã phát tâm xây dựng chùa Giác Ngộ tại lô đất có diện tích 695m2. Khi đó, chùa tọa lạc tại số 36 đường Jean Jacques Rousseau. Sau đổi thành số 90 Trần Hoàng Quân và cuối cùng số 92 đường Nguyễn Chí Thanh như hiện nay.

Cho đến 21/5/1956, cư sĩ Trần Phú Hữu xuất gia, tự Thích Thiện Đức. Thầy đã hiến cúng toàn bộ đất và chùa Giác Ngộ cho Giáo hội Tăng Già Nam Việt do hòa thượng Thích Thiện Hòa làm trị sự trưởng tiếp nhận. 

Sau đó, chùa được Đức Hòa thượng Thích Thiện Hòa – Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho xây dựng vào thập niên 60 của thế kỷ XX.

Trải qua nhiều năm tháng, chùa dần xuống cấp và không đủ điều kiện để phục vụ cho việc đào tạo, sinh hoạt của các Phật tử, Tăng Đoàn, Chính vì vậy, chùa đã được Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép xây mới toàn bộ vào ngày 30/7/2012.

Công trình xây dựng mới Chùa Giác Ngộ gồm 1 tầng hầm để xe và 7 lầu, với tổng diện tích xây dựng là 3476m2. Chính điện mới của Chùa gồm 2 tầng, tầng 1 gồm 412m2 và gác lửng ở tầng 2 gồm 300m có sức chứa khoảng 700 người làm lễ cùng một lúc. Tầng 3 là thiền đường. Tầng 4 là thư viện. Các tầng còn lại phục vụ các sinh hoạt giáo dục Phật học và các Phật sự khác. 

Bên cạnh tòa 7 tầng vừa nêu, phía sau còn có dãy Tăng xá và bên trái từ ngoài nhìn vào còn có dãy nhà thờ cốt của thân bằng quyến thuộc các Phật tử đã quá vãng. Tổng chi phí xây dựng mới Chùa Giác Ngộ trên 20 tỷ đồng VN. 

Pháp môn và Tông chỉ chùa Giác Ngộ 

Trải qua nhiều năm tháng, dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Nhật Từ, chùa chủ trương theo hình thái Đạo Phật Ngày Nay, tu theo pháp môn Tứ Thánh đế, Tứ niệm xứ và thiền Vipassana. 

Tông chỉ của chùa là nhập thế và truyền bá Phật pháp qua các hoạt động từ thiện, hoằng pháp và đặc biệt là hoạt động giáo dục.

Vào ngày chủ nhật hàng tuần, chùa Giác Ngộ thường xuyên tổ chức các khóa tu một ngày an lạc,… Lễ Quy Y Tam Bảo chùa Giác Ngộ được tổ chức vào các ngày rằm lớn như rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng bảy, tháng mười và vào các lễ hội văn hóa Phật Giáo. 

Vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần sẽ có lớp sinh hoạt cho các Phật tử trung niên và lão niên tu học. Còn các thanh thiếu niên Phật tử thì thường sinh hoạt vào chiều chủ nhật.

Bên cạnh đó, chùa còn tổ chức các hoạt động thiện nguyện như Hiến máu nhân đạo, hiến xác, tặng quà cho thiếu nhi, tặng học bổng,… nhằm lan tỏa thông điệp nhân ái, sẻ chia đến mọi người.

Ngoài ra, chùa Giác Ngộ còn thường xuyên tổ chức lễ hằng thuận (lễ cưới) cho các Phật tử để họ có cuộc sống hạnh phúc, an nhiên theo đúng tinh thần Phật giáo.

Chùa Giác Ngộ – Nơi nuôi dưỡng thân tâm trí

Không chỉ là chốn tâm linh để chúng ta quay về nương tựa và an trú trong chánh niệm. Chùa Giác Ngộ còn là cơ sở đào tạo của nhiều trường học, nơi tổ chức các khóa học, khóa tu ngắn hạn dành cho Phật tử.

Năm 1959, trường trung học Bồ Đề – Chợ Lớn được thành lập. Đây là ngôi trường tư thục Phật giáo đầu tiên tại Sài Gòn đặt cơ sở tại chùa Giác Ngộ. 

Đến năm 1979, trường sơ đẳng Phật học Thiên Hòa được thành lập bởi Hòa thượng Thích Trí Thịnh và đặt cơ sở tại chùa Giác Ngộ. 

Suốt từ năm 1984 đến nay, chùa Giác Ngộ là nơi đào tạo tăng tài, phật tử đến từ nhiều nơi. Nhiều thầy xuất thân từ chùa Giác Ngộ đã xuất dương làm đạo thành công tại châu Âu, châu Úc, Hoa Kỳ, Canada,…

Chùa còn là nơi biên tập và xuất bản nhiều kinh sách Phật giáo. Trong đó tủ sách Đạo Phật Ngày Nay có tới trên 200 cuốn sách, sách nói Phật giáo có trên 100 CD, Đại Tạng Kinh Việt Nam trên 120 CD và trên 100 CD, VCD về Âm nhạc Đạo Phật Ngày Nay. Ngoài ra, còn có hàng ngàn pháp thoại của Thầy Thích Nhật Từ hiện có tại nhà sách chùa Giác Ngộ.

Bên cạnh đó, chùa Giác Ngộ thường xuyên tổ chức các khóa tu ngắn hạn cho các Phật tử hoặc những người hữu duyên với Phật Pháp, mong muốn hướng tới sự thiện lành và bình an.

Các khóa tu ngắn hạn được tổ chức hàng năm tại chùa Giác Ngộ bao gồm: Khóa tu ngày an lạc, khóa tu thiếu nhi, khóa tu thiền, khóa tu Búp sen từ bi (tuổi từ 3 đến 12) khóa tu xuất gia gieo duyên, khóa thiền Vipassana và khóa tu tuổi trẻ hướng Phật. 

Các lớp Phật pháp gồm: Phật pháp căn bản, Phật pháp nâng cao và lớp Kinh Trung bộ.

Đồng thời, chùa còn thành lập Quỹ Đạo Phật Ngày Nay với mục tiêu chia sẻ những tấm lòng nhân ái, nhân đôi những nụ cười, kết nối tình thương yêu từ nơi đủ đầy đến nơi thiếu thốn, thắp lên những ngọn đuốc ấm áp chân tình để ánh sáng Từ Bi và Trí Tuệ ngày càng lan tỏa rộng lớn khắp cộng đồng.

Tiền thân từ Hội Từ thiện Đạo Phật Ngày Nay đã được ra đời từ năm 2000, trải qua 13 năm liên tục hoạt động và phát triển, đến ngày 06/05/2013, Hội đã đổi tên thành Quỹ Đạo Phật Ngày Nay và chính thức ra mắt tại chùa Giác Ngộ với một sứ mệnh to lớn hơn. Những giá trị mà Quỹ mang lại không chỉ là những động từ thiện vì cộng đồng theo tinh thần Phật giáo mà còn là những hoạt động hoằng bá Chánh pháp, đào tạo nhân tài, góp phần phát triển toàn diện các mặt xã hội, văn hóa và giáo dục.

Quỹ sẽ xây những chiếc cầu nối liền bờ vui của trái tim từ bi và sự hiểu biết đến với những nơi xa xôi hẻo lánh, những mảnh đời chưa được đủ đầy trong cuộc sống; mang ánh sáng trí tuệ đến với các học sinh nghèo hiếu học; xây những mái nhà tình thương, chăm sóc sức khỏe cho bà con ở vùng khó khăn. Đặc biệt, Quỹ còn tham gia tiếp sức cho chư Tăng Ni, chung tay cùng Giáo hội đào tạo Tăng tài, phục vụ cho Đạo pháp và dân tộc,… 

Không những thế, Quỹ Đạo Phật Ngày nay còn có chương trình Hỗ trợ y tế mang ý như: chương trình hiến máu nhân đạo; hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học; chung tay vì người bệnh; hỗ trợ mổ tim cho trẻ em, …  thể hiện tinh thần cao quý của đức Phật  – tinh thần bố thí Ba-la- mật, thấm nhuần lời dạy về hạnh từ bi của đức Phật. 

Bên cạnh đó, Quỹ còn có hoạt động Xây dựng cơ sở vật chất, gồm: Xây dựng chùa chiền, nhà cửa, đường sá, bệnh viện,… chính là việc làm thiện lành mang lại lợi ích thiết thực, lâu dài cho cộng đồng. Những công trình ấy không chỉ phục vụ lợi ích cho một hoặc nhiều người mà còn cho rất nhiều người, không chỉ mang lại lợi lạc cho thế hệ này mà còn truyền mãi những thế hệ sau. 

Với mong muốn được trợ duyên lành, mang những căn nhà yên ấm đến những phận người nghèo khó, những nhịp cầu an vui đến với những vùng còn nhiều thiếu thốn. Trong những năm qua, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã thực hiện rất nhiều những chương trình xây dựng cơ sở vật chất và tha thiết kêu gọi quý Phật tử đóng góp hỗ trợ cho chương trình này. “Cho đi” cũng là “nhận lại”, “cho đi” mà không cầu lợi lộc, giá trị to lớn nhất mà ta nhận về chính là niềm vui lấp lánh trong đôi mắt tha nhân. 

Đến tháng 2/2014, phòng tranh Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã ra đời, thu hút hơn 50 họa sĩ nổi tiếng với nhiều trường phái khác nhau đã tham gia đóng góp và tổ chức các cuộc triển lãm gây quỹ. Không những xoay quanh chủ đề về quê hương đất nước, những sinh hoạt thường ngày mà các tác phẩm còn mang đậm hơi hướng của Thiền môn. Những mùi vị của giác ngộ, giải thoát đã được thể hiện sắc nét qua các bức vẽ.

Ngoài ra, chùa còn đào tạo các lớp ngoại ngữ miễn phí cho Phật tử gồm: lớp tiếng anh, lớp tiếng Hàn, lớp tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Khmer. Các lớp học kỹ năng miễn phí gồm: Lớp MC, lớp Thư pháp Việt, lớp Yoga sức khỏe và lớp Sống không bệnh.

chuavn.com


Vị trí Tự Viện

Chùa Giác Ngộ

Viếng chùa

Tự viện mới

CHÙA TƯỢNG SƠN

Chùa Giác Ngộ (Củ Chi)

Chùa Chánh Thiên

Đường số 11 Lê Trọng Tấn, Xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùa Quan Âm Đông Hải

, Xã Vĩnh Châu, Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng

Tu viện Long Hưng

1768/10/8 đường Tỉnh Lộ 10, KP1, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh

Chùa Giác Ngộ BRVT

Ấp Cây Cám, Xã Láng Dài, Huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùa Giác Ngộ

92 Nguyễn Chí Thanh, Phường 02, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
© ChùaVN 2022. All Rights Reserved. Chính sách bảo mật thông tin
Phát triển và cúng dường bởi totdep.vn