Phật giáo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Kỳ 1 (TT.TS. Thích Minh Nhẫn)

Những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay – cơ hội thách thức và giải pháp để phát huy vai trò Tăng Ni trong xây dựng Giáo hội trang nghiêm và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh.

Tháng 5/2019, tại diễn đàn: “Phật giáo và Cách mạng Công nghiệp 4.0” trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học Quốc tế bên lề Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 16 năm 2019 được tổ chức tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã có lời nhận định sâu sắc rằng: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam cụ thể là Ban Thông tin truyền thông đã đi đầu tiên phong trong công nghiệp 4.0, có sự đột phá về số hóa văn bản hành chính và đặc biệt là sự hiện đại trong việc truy cập các thông tin, văn kiện và các bài tham luận của Đại lễ Vesak LHQ 2019 qua mã code QR”. (1) Thứ trưởng đã có những nhận xét tinh tế về những thay đổi trong xã hội thực mà thế giới ảo tạo ra đang tác động không nhỏ đến sức mạnh văn hoá tinh thần, trong khi Văn hoá và Tinh thần Dân tộc đang được xem là “Sức mạnh mềm” và được kỳ vọng sẽ là đột phá chiến lược trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới. Qua đó, Thứ Trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phan Tâm khẳng định: “Phật giáo vượt qua thách thức của cuộc cách mạng 4.0” đồng thời góp phần khơi dậy tinh thần dân tộc khi tư tưởng, triết học, thế giới quan, nhân sinh quan, các triết lý nhân văn, hướng thiện… của Phật giáo đều có thể phát huy rất tích cực giá trị của mình trong việc khắc chế những tác động tiêu cực này.

Với tinh thần Hộ Quốc an dân hàng nghìn năm của Phật giáo, qua các triều đại và cho đến ngày nay thời kỳ nào cũng có các nhà Sư ra sức giúp đời, niềm tin và sự tự tin nội lực sẽ khơi dậy tinh thần dân tộc, góp phần tạo ra sức mạnh và sức bật tinh thần để Phật giáo vững vàng vượt qua mọi thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Trong đó, những giá trị tốt đẹp, tinh hoa văn hóa của Phật giáo sẽ góp phần xây dựng, củng cố niềm tin và sự tự tin cho con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, văn minh, thân thiện, phát triển, đổi mới và hội nhập” (2). Những yếu tố Kỹ thuật số cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano. Hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt. Trong bài viết này xin giới hạn chỉ trình bày về những tác động của công nghệ số, truyền thông mạng đến công tác quản lý điều hành và Hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

THỰC TRẠNG HIỆN NAY:

Trong thời kỳ bùng nổ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, truyền thông đã thực sự trở thành sức mạnh không thể phủ nhận trong đời sống xã hội, thậm chí trong một vài trường hợp, truyền thông còn là quyền lực thứ năm sau các quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp và báo chí ở một số quốc gia. Trong xu thế phát triển không ngừng của thời đại kỷ nguyên số, trước những thuận lợi, thách thức đối với quốc gia, dân tộc trong thời đại phát triển khoa học công nghệ, trên tinh thần nhập thế để Hoằng Pháp lợi sanh, Phật giáo cũng không thể đứng ngoài cuộc. Hiện nay, trước tình hình đất nước hội nhập sâu, kinh tế và đời sống của nhân dân không ngừng phát triển, một bộ phận kẻ xấu trong và ngoài nước luôn luôn tìm mọi cách chia rẽ tinh thần đoàn kết tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất an ninh trật tự, nhằm thực hiện ý đồ “Diễn biến hoà bình”. Những thế lực ấy đã tận dụng mọi cơ hội trên không gian ảo, nhắm vào xã hội thực bằng cách tạo ra các thông tin tiêu cực, trái chiều, từ không thành có, chuyện nhỏ xé to, mang tính xuyên tạc, cố ý bôi nhọ đời sống tu hành thanh tịnh, phạm hạnh thanh cao của chư Tăng Ni và Giáo hội, làm phương hại đến uy tín và niềm tin của Đạo Phật trong lòng nhân dân. (3)

Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội khánh thành 2 Trung tâm hành chính điện tử của GHPGVN đặt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và Thiền viện Quảng Đức (TP.HCM)

Nhận thức được điều đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2022 đã nêu bật trọng điểm: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một Kênh Hoằng Pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị Từ bi – Trí tuệ của Đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa” (4). Ngày nay, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự tồn tại của một thế giới phẳng, sự phổ cập rộng rãi của mạng xã hội toàn cầu và sự ra đời vĩ đại của Internet, sự ra đời và ứng dụng rộng rãi của các phần mềm ứng dụng xử lý công việc trong một  kỷ nguyên sáng tạo mới, một kỷ nguyên kết nối mới, đặt nền móng cho một sự cộng tác toàn cầu với các tiện ích vô cùng thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, đồng thời cũng là thời cơ, vận hội mới như hiện nay đã và đang thôi thúc tự thân mỗi vị Tăng Ni trong vai trò Sứ giả Như Lai và từng Tín đồ Phật tử thấy rõ “Trọng trách” của mình hiện nay là “Cần phải làm gì”? Hành động như thế nào? Bằng cách nào để có thể nắm bắt, hòa nhập vào “Làn sóng truyền thông Kỷ nguyên số” mà vẫn giữ vững bản sắc và bản lĩnh của một “Sứ giả Như Lai thời Công nghệ số” trước sự tấn công ồ ạt của cơn bão mạng! Vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là: “Làm sao để có thể Phát huy tích cực vai trò của chư Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc xây dựng khối Đại Đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh trong “Thời điểm vàng” của “Kỷ nguyên Công nghệ số”?

Có thể nói: làn sóng truyền thông hiện nay đang lặng lẽ như những cơn sóng ngầm, không chỉ tấn công vào đời sống xã hội, ảnh hưởng đến tầm nhìn và nhận thức của mọi người trong cộng đồng, nguy hiểm hơn khi nó đã âm ỉ, len lỏi vào tận những ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn và ý thức hệ của mỗi người, nhất là giới trẻ, đáng lo nhất là độ tuổi của các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng. Khi mà ai ai cũng có thể làm truyền thông, người người, nhà nhà đều làm truyền thông chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Nhất là một bộ phận “giới trẻ nhàn rỗi” thiếu lập trường và không có chánh kiến, thích tham gia “cơn sốt truyền thông” để giật tít câu like và thậm chí là bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền và tư lợi cá nhân trên các trang mạng xã hội. Trên các kênh Youtube, trang Facebook… giờ đây đã xuất hiện thêm nhiều “nhà báo tự do” và “anh hùng bàn phím”. Trước các tin tức xã hội có nội dung tiêu cực về Phật giáo được dư luận phản ánh, nếu chúng ta cứ theo cách ứng xử như trước đây là “Nhẫn” và im lặng bằng góc nhìn “Dĩ hòa vi quý” rồi thôi, kệ cho qua với suy nghĩ “Thanh giả tự thanh” thì không khác nào tạo cơ hội cho kẻ xấu trong việc cố ý lợi dụng xuyên tạc Phật giáo theo kiểu “Té nước theo mưa”, dẫn đến tốc độ lan truyền tin xấu trên mạng xã hội nhanh như chớp, làm đảo điên thật giả, đúng sai đến chóng mặt và không thể kiểm soát được nữa. Cho đến khi vụ việc được làm sáng tỏ thì những thị phi, đàm tiếu, thông tin tiêu cực, phản cảm đã tràn lan, khó xóa bỏ được các “hình ảnh giả danh” và ngụy tạo, lắp ghép nhằm bôi nhọ và phỉ báng người tu, như vậy có phải là chính ta đã vô tình tiếp tay cho “truyền thông bão mạng”, một “vấn nạn và nguy cơ tiềm ẩn” đang diễn ra nhức nhối hiện nay trên các luồng sóng trái chiều của dư luận hay sao?

Đứng trước sự tương tác mãnh liệt trong thế giới phẳng với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần, vật chất và mọi mặt sinh hoạt của con người trong xã hội hiện nay, Phật giáo cũng bị chính các phương thức thông tin tuyên truyền này tác động không nhỏ vào đời sống tu hành, học tập, sinh hoạt và hoằng pháp của chư Tăng Ni. Việc chư Tăng Ni được tiếp cận, nắm bắt và sử dụng phương tiện truyền thông trong thời đại công nghệ 4.0 đã và đang là cơ hội mới để hoằng truyền chánh pháp, đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức gay go tác động đến đời sống Phật giáo hôm nay. Sự hội nhập và phát triển bao giờ cũng tồn tại song song trên hai mặt của một vấn đề, cơ hội và thách thức, tích cực và tiêu cực, vận may luôn song hành cùng những rủi ro, nói theo quan điểm Phật giáo đó là thuận duyên và nghịch duyên.

THÁCH THỨC – CƠ HỘI:

Nguy cơ và thách thức: Bên cạnh sự phát triển thuận lợi, thì mạng xã hội đang bị một bộ phận nhỏ cố ý lạm dụng một cách tiêu cực nhằm khai thác mặt trái của các thông tin để câu view (câu lượt xem) thực hiện ý đồ riêng. Từ đó, đã dẫn đến việc mất an ninh trật tự chung, mất an toàn đối với thanh thiếu niên khi tham gia mạng xã hội, đồng thời cũng ảnh hưởng đến niềm tin và uy tín của Phật giáo. Kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội cố ý bôi nhọ, xuyên tạc đời sống phạm hạnh của Tăng Ni, lợi dụng danh nghĩa Phật giáo và tu sĩ thực hiện ý đồ xuyên tạc và trục lợi.

Cơ hội – Thuận duyên

Văn phòng hành chánh điện tử: Thông qua việc ứng dụng những giá trị cốt lõi công nghệ số mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến. Hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xây dựng được 01 trung tâm điều hành điện tử của Trung ương Giáo Hội tại Văn phòng 1 chùa Quán Sứ (TP. Hà Nội) và 01 văn phòng hành chánh điện tử tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội (khu vực phía Nam) tại Thiền viện Quảng Đức (TP. HCM) Sự hình thành văn phòng hành chánh điện tử sẽ tạo nên sự đồng bộ, kịp thời chia sẻ thông tin với các cơ quan hữu quan. Thuận lợi trong công tác điều hành và quản lý hành chánh của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tiện ích về họp trực tuyến, họp không giấy, nhận dạng giọng nói, chuyển đổi giọng nói thành văn bản, số hóa văn bản hành chánh, xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích các dữ liệu và đề xuất các giải pháp để hỗ trợ lãnh đạo có nhiều lựa chọn trong công tác điều hành và ra quyết định mang tính hiệu quả cao. Sau khi văn phòng hành chánh điện tử tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội đã đi vào hoạt động, hiện tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển giao công nghệ cho Văn phòng BTS các tỉnh thành và triển khai kế hoạch (giai đoạn 1) lắp đặt phòng họp trực tuyến tại Văn phòng BTS Phật giáo của một số tỉnh thành tiêu biểu trong cả nước, nhằm kết nối với Trung tâm điều hành điện tử tại Văn phòng 1 Chùa Quán Sứ (TP. Hà Nội) và văn phòng hành chánh điện tử tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội (TP. HCM), tạo sự thông suốt trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu từ Trung ương Giáo hội đến các tỉnh thành hội Phật giáo và ngược lại.

Số hóa văn bản hành chánh – Hệ thống kết nối điện tử từ Trung ương đến các cơ sở thờ tự: Hiện nay,  các văn bản của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi ban hành đều được số hóa thành văn bản điện tử đăng tải trên cổng thông tin Phật sự Online, vbgh.com. Thiết lập kết nối hệ thống Thư ký – Văn phòng của 63 tỉnh thành hội Phật giáo thông qua Zalo, Butta để kịp thời truyền đạt thông tin, công văn hành chánh của Giáo hội và sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội đến các cấp Giáo hội và cơ sở tự viện trong cả nước.

Quản lý Tăng Ni bằng thẻ kỹ thuật số (thẻ thông minh): Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đưa vào nghị quyết Số: 228 /NQ-HĐTS ngày 10/7/2020 Khởi động thực hiện việc chuyển đổi giấy Chứng nhận Tăng Ni sang thẻ chứng nhận Tăng Ni kỹ thuật số và hướng đến số hóa quản lý Tăng tịch, dữ liệu thông tin hoạt động tôn giáo.

Truyền thông số: Hiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam có mạng xã hội Butta, Truyền hình An Viên, kênh truyền hình trực tuyến Phật Sự Online TV phát trên các nền tảng của mạng xã hội, có cổng thông tin Phật Sự Online, Hoằng Pháp Online, Giác Ngộ Online, Phatgiao.org và hàng ngàn tài khoản Facebook, Youtube của Giáo hội các cấp và cá nhân Tăng Ni có từ hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn lượt theo dõi…

(Tạp chí Văn hoá Phật giáo)

Chú thích:

* TT.TS. Thích Minh Nhẫn – Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Tổ trưởng Tổ Thông tin Tuyên truyền Văn phòng Trung ương Giáo hội. 

(1) “Nhận định của tiến sĩ Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ TTTT về việc ứng dụng Công nghiệp 4.0 của Phật Giáo”: https://www.phatsuonline.com/video-nhan-dinh-cua-tien-si-phan-tam-thu-truong-bo-tttt-ve-viec-ung-dung-cong-nghiep-4-0-cua-phat-giao/
(2) “Phật giáo vượt qua thách thức của cuộc cách mạng 4.0” – 13/05/2019 –  Tình Lê.          https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/vesak-2019-phat-giao-khoi-day-tinh-than-dan-toc-vuot-qua-thach-thuc-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-531203.html
(3) “Truyền thông Phật giáo trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ số” -TTTS. Thích Minh Nhẫn: https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=thich-minh-nhan/truyen-thong-phat-giao-trong-ky-nguyen-cach-mang-cong-nghe-so-715.html
(4) Phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022)  https://vbgh.vn/tu-lieu-dai-hoi-8/detail/Phuong-huong-hoat-dong-Phat-su-nhiem-ky-VIII-3/

© ChùaVN 2022. All Rights Reserved. Chính sách bảo mật thông tin
Phát triển và cúng dường bởi totdep.vn