Tóm tắt
Giáo hội Phật giáo Việt Nam hơn 40 năm hình thành và phát triển, trải qua 8 nhiệm kỳ từng bước củng cố nguồn nhân lực, phát triển chuyên ngành, khẳng định được vị thế là tổ chức Phật giáo đại diện Tăng Ni và Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Đến nay, hệ thống tổ chức gồm có 13 Ban, Viện Trung ương, ngày càng phát triển vững mạnh từ tổ chức hành chính cho đến các hoạt động Phật sự trong nước và quốc tế.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (07/11/1981 – 07/11/2021) thông qua hình thức trực tuyến, từ điểm cầu Hà Nội kết nối điểm cầu 63 tỉnh, thành phố cả nước. Trong diễn văn khai mạc, Đức Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh: “Trong 40 năm qua (1981 – 2021), GHPGVN đã không ngừng lớn mạnh về hệ thống tổ chức từ trung ương đến các địa phương, về chủ trương hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo, đào tạo Tăng tài, xiển dương chân lý, hoằng pháp lợi sinh hướng dẫn đồng bào Phật tử, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo trong việc giữ gìn các di sản văn hóa Việt Nam…”.
Cùng với nhịp phát triển đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại 63 tỉnh thành trong toàn quốc lần lượt ra đời, từng bước xây dựng trẻ hóa đội ngũ nhân sự nền tảng từ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện, thị, thành; định hướng và phát triển cho các Ban chuyên ngành vận hành một cách tốt nhất, tận dụng tối ưu về công nghệ thông tin để số hóa và chuyển đổi số vào công tác quản lý hành chính Giáo hội, đẩy mạnh truyền thông Phật giáo trên mọi hoạt động Phật sự giáo dục, hoằng pháp, nghi lễ, văn hóa, hướng dẫn Phật tử tu tập để lan toả rộng rãi những Phật sự tích cực mang nhiều ý nghĩa thiết thực cho xã hội.
Trước sự chuyển đổi số trong thời đại công nghệ 4.0, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh đã có nhiều tín hiệu chuyển đổi tích cực nhằm nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức hành chính, đáp ứng nhu cầu phụng sự nhân sinh trong thời hiện đại. Bài viết “Bước chuyển thời đại trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh” dựa trên nhu cầu thực tiễn xã hội và tính năng hội nhập của Phật giáo, đúc kết ba vấn đề như sau:
Thứ nhất, trẻ hoá nguồn lực và số hoá quản lý.
Đây chính là cơ hội thử sức cho thế hệ trẻ sẽ mang đến lợi ích kép, vừa hạn chế việc bỏ sót nhân tài, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn lực trẻ hóa sẽ đáp ứng được phần lớn chiến lược Phật sự chuyển đổi số của Ban Trị sự tỉnh và các Ban chuyên ngành.
Thứ hai, phát huy thế mạnh chuyên môn hoá các Ban chuyên ngành.
Cần tạo những hiệu ứng lan tỏa mạnh thông qua chiến lược hoạt động Phật sự, theo xu hướng phát triển của thời đại, phát huy thế mạnh các Ban chuyên ngành nòng cốt, đồng thời liên kết các Ban còn lại, tạo nên sức mạnh cho Ban Trị sự tỉnh.
Thứ ba, chú trọng phát triển công tác tổ chức Lễ hội văn hóa Phật giáo.
Trên tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc” Ban Trị sự tỉnh kết hợp hài hòa giữa các Lễ hội truyền thống của dân tộc với Lễ hội văn hóa Phật giáo thông qua các Đại lễ lớn của Phật giáo nhằm tạo điểm nhấn nổi bật cho Lễ hội, vừa là nơi nuôi dưỡng tâm linh cho đồng bào Phật tử, vừa chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
I. TRẺ HOÁ NGUỒN LỰC VÀ SỐ HOÁ QUẢN LÝ
1.1. Trẻ hoá nguồn lực
Chìa khóa thành công cho Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo các tỉnh, thành phố nói riêng không chỉ xuất phát từ chiến lược hoạt động hoàn hảo, sức mạnh tài chính dồi dào, công nghệ thông tin hiện đại mà điểm chính yếu là “nguồn nhân lực” phải đủ tâm và đủ tầm để làm nền tảng vững chắc, thúc đẩy nguồn máy lãnh đạo vận hành sáng tạo và bắt nhịp với thời đại mới.
Phật giáo các tỉnh, thành phố đang bước vào giai đoạn của nhiệm kỳ mới, việc chuyển dịch nhóm tuổi từ nguồn nhân lực lãnh đạo đã làm cho diện mạo Phật giáo tỉnh có sự chuyển mình trong hệ thống tổ chức.
Căn cứ “Thông tư số 60/TT-HĐTS ngày 26-3-2021, hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN tỉnh, thành phố quy định ở chương II, mục 5 về Độ tuổi tham gia Ban Trị sự nhiệm kỳ 2022 – 2027, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ấn ký” đã thực thi trẻ hoá nguồn nhân lực trên diện rộng. Yếu tố quan trọng “trẻ hoá” đã góp phần củng cố năng lực nội tại của Ban Trị sự tỉnh, cũng là nền tảng vững chắc phát triển các Ban chuyên ngành.
Theo Hiến chương GHPGVN, chương VI, điều 31, nhân sự Ban Trị sự cấp tỉnh phải có uy tín, năng lực làm việc, đạo hạnh tốt, có công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc. Điều này, minh chứng được đội ngũ nhân sự lãnh đạo là những người ưu tú, có năng lực, đạo lực, tâm lực và kỹ năng chuyên môn lãnh đạo, vận hành và truyền cảm hứng cho thế hệ kế thừa. Vì thế, nguồn nhân lực phục vụ Giáo hội cần đảm bảo những tiêu chí như sau:
1.1.1. Thứ nhất: Học vị
Đây là tiêu chí đầu tiên để chọn lựa nguồn nhân lực, thông qua văn bằng để đánh giá trình độ học vấn. Trình độ học vấn ảnh hướng đáng kể đến quá trình nhận thức, tư duy và làm việc của cá nhân.
Hiện nay, học vấn không còn là vấn đề nan giải, đa phần Phật giáo các tỉnh đều thiết lập hệ thống giáo dục Phật giáo thông qua các lớp: Sơ cấp Phật học; Trung cấp Phật học; Cao đẳng Phật học; Cao đẳng liên thông.
Đặc biệt, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã mở lớp Nâng cao nghiệp vụ Trụ trì, thỉnh mời chư Tôn đức của Học viện Phật giáo Việt Nam giảng dạy trong thời gian 3 năm. Đây là một giải pháp hữu hiệu cho những Tăng Ni đang đảm nhiệm vai trò trụ trì ở các tự viện trong tỉnh chưa hoàn thành các lớp Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học. Phương án này cũng đã nâng tầm trong công tác quản lý nhân sự, không chỉ yêu cầu nhóm người quản lý có trình độ, mà còn bổ sung những kiến thức căn bản cho nhóm người được quản lý, để mọi người cùng hiểu rõ về trách nhiệm và nghĩa vụ của vị trụ trì thực thi cho đúng.
Song song việc trang bị nền tảng kiến thức Phật học, một số Tăng Ni có duyên được học cấp bậc cao hơn như: Cử nhân Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ các chuyên ngành tại các trường Đại học, Học viện thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Thực tế, Phật giáo các tỉnh hiện nay vẫn chưa quan tâm nhiều về chương trình “đãi ngộ Tăng Ni” học tập cấp bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hoặc đi du học các nước, đa phần Tăng Ni tự túc đi học. Trải qua quá trình phấn đấu hoàn tất việc học, đạt được văn bằng học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ khi trở về địa phương Tăng Ni vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo Giáo hội, nếu có quan tâm cũng chưa sử dụng đúng năng lực chuyên ngành, mà thường bị lực cản khách quan từ nhiều phía.
Nếu các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh có chương trình đãi ngộ Tăng Ni trong việc giáo dục, sau khi hoàn tất việc học họ sẽ trở về phục vụ Phật giáo địa phương. Đây chính là một trong những giải pháp về nhân sự giúp duy trì sự phát triển và ổn định cũng như tạo ra những bước tiến vượt bậc, không chỉ phục vụ cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà, mà còn là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Phật giáo tại địa phương trong tương lai.
1.1.2. Thứ hai: Năng lực
Được chứng minh qua công việc, vai trò, chức năng, nhiệm vụ được thực thi đạt hiệu quả tốt. Có những người tuy học vị chỉ tương đối nhưng năng lực làm việc rất tốt, có những vị học vị tuy cao nhưng năng lực làm việc hiệu quả không cao. Ban Trị sự cũng cần lưu tâm để “dụng nhân như dụng mộc”, không bỏ sót nhân tài nhưng cũng không giao việc cho những người năng lực chưa hợp lý.
Đối với Phật giáo tỉnh, vận hành Ban Thường trực Ban Trị sự được vững mạnh phải kể đến “Tứ trụ – “Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực, Chánh Thư ký và Phó Thư ký Chánh Văn phòng” đây là cơ quan đầu não của Ban Trị sự, là những người ưu tú đầy tâm huyết phụng sự. Trưởng ban và Phó Trưởng ban Thường trực sẽ đưa ra những chiến lược có tầm nhìn sâu rộng; quyết đoán trong từng hoạt động Phật sự; lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết mọi vấn đề xung đột một cách sáng suốt; chọn đúng người, giao đúng việc, trao đúng quyền và tạo động lực cho cấp dưới. Chánh Thư ký và Phó Thư ký Chánh văn phòng là hai cánh tay đắc lực để vẽ nên những chiến lược có tầm với nội dung sâu sắc và truyền tải thông tin chính xác đến các vị lãnh đạo. Nếu “tứ trụ” vững chãi, Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh sẽ vận hành rất tốt, các Ban đầu ngành cũng tương tự, mỗi Ban chuyên ngành đều có “tứ trụ” vững chắc, sẽ hợp nhất thành ngôi nhà kiên cố trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
1.1.3. Thứ ba: ý thức trách nhiệm và tâm phụng sự nhiệt huyết
Hoàn thành trọng trách được giao là điều kiện cần trong sử dụng nhân sự. Nếu nhân viên không ý thức trách nhiệm được giao sẽ ảnh hưởng đến quá trình công việc, phiền lòng đến những người cộng sự. Người có học vị, có năng lực nhưng không ý thức trách nhiệm và tâm phụng sự nhiệt huyết, dễ rơi vào ngã mạn, khó cộng sự và khó hoàn thành Phật sự chung cho Giáo hội.
Vì sao cần phải có hai yếu tố trên? Ý thức trách nhiệm là tinh thần chịu trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ đúng theo kế hoạch, từ lúc khởi đầu cho đến kết quả cuối cùng, dám chịu trách nhiệm khi kết quả đúng hoặc sai, không đùn đẩy lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh.
Chư Tôn đức lãnh đạo tin tưởng giao việc cho người có ý thức trách nhiệm cũng sẽ yên tâm, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có những tác nhân chủ quan, khách quan tác động, biến những điều không thể thành có thể, chuyển hoá năng lượng tiêu cực thành tích cực, tìm mọi giải pháp để hoàn thành trách nhiệm một cách tốt nhất.
Bất kỳ Phật giáo tỉnh nào sở hữu được nguồn nhân lực trẻ, có năng lực, có ý thức trách nhiệm, nhiều tâm huyết, hoài bão sẽ có thêm những tăng tài trẻ đủ bản lĩnh, từng bước tạo dựng nên tầm vóc lớn mạnh cho Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, lan tỏa mạnh mẽ sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh mà Đức Phật giao phó.
1.2. Số hòa quản lý
Trong thời đại 4.0, hai chữ “số hoá” đã trở nên quen thuộc, vì đây là những tiện ích hỗ trợ chuyển đổi thông tin thông thường trên giấy viết và các quy trình thủ công sang định dạng kỹ thuật số. Số hóa quản lý hành chính đang chiếm ưu thế, tạo điều kiện thuận lợi cho một tổ chức thực hiện công việc nhanh, tiện và rẻ hơn.
Hiện nay, hệ thống tổ chức hành chính GHPGVN gồm 03 cấp: cấp Trung ương; cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đảm bảo việc quản lý các hoạt động Phật sự được hanh thông, ổn định, nhanh chóng, kịp thời, việc áp dụng số hoá trong hệ thống quản lý là điều đã và đang được thực thi có hiệu quả, đồng thời đang hướng đến chuyển đổi số trong hệ thống quản lý hành chính ở tương lai.
Thực tế tại các tỉnh, Ban Trị sự và các Ban chuyên ngành chỉ tận dụng số hoá ở mức độ soạn thảo văn bản hành chính, xử lý, lưu trữ, truyền tải dữ liệu. Thành lập các nhóm cụ thể trên nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất là zalo, viber tạo không gian làm việc kịp thời, các ứng dụng cho phép người dùng chia sẻ thông tin khi cần, thể hiện thái độ đồng thuận (like), truyền tải thông tin nhanh, số lượng người tiếp nhận thông tin nhiều.
Trên các website của Phật giáo một số tỉnh, thiết kế đầy đủ “hệ thống tổ chức; văn bản; Đại hội Phật giáo; tin tức – tư liệu” giúp cho người truy cập dễ dàng tìm kiếm thông tin; website Phật giáo tỉnh Tiền Giang http://www.phatgiaotiengiang.org truyền tải những thông tin, tin tức hoạt động Phật sự trong tỉnh, các lĩnh vực Phật học, văn hoá, lịch sử,…. hội tụ trên trang web. Nhưng một số website của Phật giáo tỉnh, mục thuộc tổ chức hành chính vẫn đang bị bỏ ngỏ, cần cập nhật để các trang website Phật giáo tỉnh có thể đồng bộ về mặt tổ chức hành chính, đồng thời cũng cần một số hình thức hành chính đơn giản cho phép đăng ký qua cổng điện tử online Phật giáo tỉnh. Bên cạnh đó, khi thực hiện một số loại giấy tờ hành chính, cần có thời gian hoàn trả hồ sơ của từng loại giấy tờ theo quy định bằng giấy hẹn. Bộ phận văn phòng nếu làm việc hợp logic, đúng khoa học theo quy định sẽ giúp cho công tác quản lý hành chính sẽ hanh thông và vững mạnh.
Số hóa mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý như: Nâng cao hiệu suất làm việc, chỉ cần vài thao tác đơn giản, nhân viên văn phòng có thể chia sẻ và trích xuất tài liệu nhanh chóng; không tốn không gian lưu trữ tài liệu giấy; tiết kiệm chi phí in ấn, giấy mực, tem thư; tính bảo mật cao, những tài liệu cơ mật sẽ được lưu trữ dưới dạng bảo mật bằng mật khẩu, người có quyền hạn mới được phép truy cập hoặc truyền tải; dữ liệu lưu trữ vô thời hạn, không bị mất qua thời gian.
Thể hiện bước chuyển mình của Phật giáo cấp tỉnh thời đại mới, Ban Trị sự nên đầu tư để xây dựng lực lượng Tăng tài trẻ trong lĩnh vực quản lý hành chính của Giáo hội như: chuyên môn hành chính văn phòng, chuyên môn công nghệ thông tin, chuyên môn quản lý lưu trữ. Trong tương lai gần, công tác quản lý hành chính của Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh từ số hoá sẽ được nâng tầm lên chuyển đổi số thông qua những phần mềm quản lý chuyên dụng để nâng tầm hình ảnh Phật giáo nói chung, Giáo hội các tỉnh nói riêng.
II. PHÁT HUY THẾ MẠNH CHUYÊN MÔN HOÁ CÁC BAN CHUYÊN NGÀNH
2.1. Toả sáng các Ban chuyên ngành nền tảng
Phật giáo tỉnh phát triển mạnh phải được phối hợp nhịp nhàng các hoạt động Phật sự từ Ban Trị sự đến các Ban chuyên ngành. Ban Trị sự tỉnh gồm 12 Ban chuyên ngành trực thuộc, mỗi Ban nhận một nhiệm vụ khác biệt nhưng chung một mục đích làm cho Phật giáo phát triển mạnh. Trong đó, cần phát triển mạnh một số ngành nòng cốt, tạo hiệu ứng tích cực để các Ban chuyên ngành khác cũng cộng hưởng theo.
Đặc biệt lưu tâm phát triển 03 Ban chuyên ngành trọng điểm như: Ban Tăng sự quản lý trực tiếp về Tăng Ni, tự viện, cũng là Ban thể hiện được nội lực của Ban Trị sự tỉnh; Ban Giáo dục Phật giáo, giáo dục và đào tạo thế hệ Tăng tài cho Phật giáo, thể hiện đẳng cấp tri thức, trí tuệ của Ban Trị sự tỉnh; Ban Hướng dẫn Phật tử cần được quan tâm nhiều hơn, Ban quy tụ được tiềm năng hùng hậu đông đảo Phật tử, hỗ trợ mọi Phật sự chung từ địa phương cho đến Phật giáo trung ương; Ban Hướng dẫn Phật tử thực hiện tốt nhiệm vụ, các Ban khác cũng được góp phần cùng phát triển.
2.1.1. Ban Tăng sự
Là Ban trọng yếu nhất liên quan trực tiếp việc quản lý con người, bên cạnh việc tổng hợp số lượng, lập danh bạ Tăng Ni, tự viện, tấn phong giáo phẩm, khen thưởng, kỷ luật thuộc phạm trù nhiệm vụ và quyền hạn của Ban.
Hiện nay, Ban Tăng sự cần nâng cấp quản lý Tăng Ni sang chuyển đổi số thông qua các phần mềm quản lý nhân sự chuyên dụng, chuẩn hoá vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu, tập hợp mọi thông tin liên quan như: số lượng Tăng Ni, số lượng tự viện, lý lịch Tăng Ni, Giấy chứng nhận Tăng Ni, sổ hạ, giấy chứng điệp thọ giới, các văn bằng Phật học, thế học, giấy chứng nhận các khoá bồi dưỡng, tập huấn, tấn phong, khen thưởng, kỷ luật, trạng thái thủ tục (nếu như đang thực hiện thủ tục hành chính) chế độ cảnh báo (khi đến năm thọ giới, tấn phong, đến tuổi về hưu…).
Tuỳ vào nhu cầu quản lý nhân sự của Ban Tăng sự, chuyên gia về lĩnh vực phần mềm nhân sự có thể tư vấn loại phần mềm quản lý phù hợp nhất có thể. Khi hệ thống quản lý nhân sự của Ban Tăng sự hình thành, các Ban chuyên ngành khi cần bất kỳ thông tin lý lịch về nhân sự của Ban, sẽ liên kết bộ phận quản lý hành chính Ban Tăng sự để trích lục lý lịch, đầy đủ mọi thông tin chính xác và đầy đủ liên quan đến nhân sự. Mỗi năm hai lần, thông báo cập nhật thông tin cá nhân cần thiết của Tăng Ni lên hệ thống quản lý online (mang tính bắt buộc). Nếu cá nhân nào có sự chuyển đổi về mặt thủ tục hành chính (thuyên chuyển hoạt động tôn giáo, thường trú, tạm trú, nhận quyết định bổ nhiệm trụ trì,…), về mặt tri thức (các loại văn bằng) báo về văn phòng Ban Tăng sự sẽ được cập nhật lên hệ thống quản lý nhân sự. Như vậy, công tác quản lý nhân sự của Ban sẽ đảm bảo về vấn đề bảo mật, chính xác, nhanh gọn và trở nên chuyên nghiệp hơn.
2.1.2. Ban Giáo dục Phật giáo
Ban Giáo dục Phật giáo đóng vai trò quan trọng, chuyên tâm vào công tác giáo dục và đào tạo Tăng tài tại các cơ sở giáo dục như: Lớp Sơ cấp Phật học, Trường Trung cấp Phật học, Trường Cao Đẳng Phật học. Phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục Phật giáo, đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban. Kết quả của quá trình đào tạo được thể hiện qua đức hạnh, đạo hạnh, năng lực và tâm huyết của Tăng Ni sinh tương ứng với mục tiêu đào tạo.
Cần chú trọng những yếu tố quyết định về mặt chất lượng của Ban Giáo dục Phật giáo: Ban Giám hiệu Trường là hội tụ những con người ưu tú trên ba phương diện: học vị, năng lực và tâm huyết. Học vị là điều không thể thiếu đối với công tác giáo dục, thể hiện được đẳng cấp tri thức của Ban giáo hiệu; Năng lực sẽ thể hiện được tiềm lực của Trường; tâm huyết chính là truyền trao nguồn năng lượng chánh pháp cho thế hệ kế thừa; Chương trình đào tạo được thể hiện qua hệ thống các môn học, quy định chuẩn kiến thức Phật học, khoa học, xã hội, kỹ năng, phẩm chất đạo đức, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá chất lượng mỗi môn học; Đội ngũ giảng dạy là người trực tiếp truyền thụ kiến thức, đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Phải thiết kế phương pháp giảng dạy phù hợp, thống nhất tài liệu giảng dạy, tổ chức các hoạt động học nhóm, tổ chức điền dã, thảo luận chuyên đề để khơi nguồn cảm hứng trong quá trình học tập; Cơ sở vật chất – trang thiết bị giảng dạy, góp phần tích cực hỗ trợ người dạy và người học; Đội ngũ Tăng Ni sinh là nhân tố có tính quyết định trong công tác đào tạo, trình độ văn hoá, ý thức học tập, phương pháp tư duy, sự hiểu biết khoa học, xã hội… nếu chưa tương đồng cần phải có phương pháp giải quyết để nâng trình độ văn hoá. Giữa người dạy và người học cần có những tiêu chuẩn nhất định, chú trọng “chất” hơn “lượng”.
2.1.3. Ban Hướng dẫn Phật tử
Ban Hướng dẫn Phật tử phụ trách di dưỡng đời sống tâm linh cho Phật tử tại gia, một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đưa Phật giáo đến gần với quần chúng xã hội, đồng thời cũng là hình thức duy trì tinh thần hộ trì Phật pháp và phát khởi niềm tin cho tín đồ mới.
Vì thế, Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh (BHDPT) cần có nội lực nhân sự vững mạnh, có trình độ chuyên môn kết hợp năng lực về ngành hướng dẫn Phật tử, năng động, tích cực có nhiều sáng kiến đóng góp vào kế hoạch hoạt động. Đối với BHDPT Trung ương gồm 5 phân ban trực thuộc, BHDPT các tỉnh do nhu cầu thực tế có thể thành lập các phân ban tương ứng.
Bên cạnh việc thống kê đạo tràng tu học, số lượng tín đồ, hướng dẫn tu tập. Cần phát huy thế mạnh các mô hình sinh hoạt tu học đang hoạt động như: đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng Niệm Phật, đạo tràng Pháp hoa, đạo tràng Địa Tạng, đạo tràng Đại Bi, khóa tu một ngày an lạc… Thành lập và phát triển các mô hình sinh hoạt năng động như: các lớp giáo lý, sinh hoạt oai nghi cho người Phật tử, các câu lạc bộ thanh thiếu nhi, khoá tu mùa hè, khoá tu dã ngoại, chương trình tiếp sức mùa thi, Lễ hội Trung thu, Lễ Hằng thuận… các mô hình trên, không chỉ là sự hỗ trợ tích cực xã hội, mà còn phát huy được lợi thế hoằng pháp, quy nạp giới trẻ đến gần với đạo đức Phật giáo.
Tổ chức các khoá bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho chư Tôn đức, quý Phật tử phụ trách chúng trưởng các đạo tràng tu học; Tổ chức khoá tập huấn kỹ năng điều hành, tổ chức sinh hoạt dành cho các câu lạc bộ thanh thiếu nhi Phật tử; Tổ chức khoá huấn luyện Tình nguyện viên cho các sự kiện, lễ hội, khoá tu cho Giáo hội.
Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh vững mạnh là nhờ vào tinh thần tập thể đoàn kết cùng chung chí hướng và sự gắn kết giữa các BHDPT cấp huyện, thị, thành với các đạo tràng địa phương. BHDPT tỉnh cần tổ chức đoàn công tác đến thăm và giao lưu sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm tu học, cập nhật phương cách hướng dẫn cho các BHDPT huyện, thị, thành và một số đạo tràng khóa tu tiêu biểu để tạo là nguồn động viên cho các BHDPT cấp dưới hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ của mình.
Có thế nói, Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Phật giáo và Ban Hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh chính là thế kiềng vững chắc tạo nên những thành tựu nổi bật cho Ban Trị sự Phật giáo tỉnh.
2.2. Tạo thế liên hoàn giữa các Ban chuyên ngành
Có được thành tựu chung cho Ban Trị sự tỉnh, các Ban chuyên ngành cần phải đồng bộ kết hợp trên mọi phương diện kế hoạch, nhất quán thực hiện các hoạt động Phật sự mang tầm vóc trong sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban chuyên ngành.
Bất kỳ Ban chuyên ngành nào có kế hoạch tổ chức hoạt động Phật sự lớn, các Ban khác sẽ tích cực hỗ trợ theo chuyên môn. Điển hình, BHDPT tỉnh tổ chức khóa tu ở bất kỳ địa điểm nào trong tỉnh, các Ban chuyên ngành khác sẽ phối hợp để tạo nên sức bật cho các Ban cùng phát triển.
Trong khóa tu do BHDPT tỉnh tổ chức, sẽ có sự đồng hành với Ban Hoằng pháp tỉnh thông qua chương trình thuyết giảng Phật pháp, Pháp đàm vấn đáp, pháp thoại chuyên đề. Đối với Ban Nghi lễ, sẽ có những thời Kinh chất lượng đúng chất nghi lễ chính thống của Phật giáo và định hướng về nghi lễ Phật giáo cho Phật tử thực hành tại gia mà không rơi vào mê tín. Ban Văn hóa tham gia để quy chuẩn về pháp phục Phật giáo, các Phật tử biết cách phân biệt và sử dụng màu, kiểu dáng của pháp phục Phật giáo đối với Tăng Ni các hệ phái và Phật tử. Ban Từ thiện xã hội sẽ tham gia phát quà cho những Phật tử có hoàn cảnh khó khăn, ưu ái những xuất học bổng, cặp sách, tập viết, quần áo đồng phục cho các em thanh thiếu nhi Phật tử, tặng những chiếc xe nâng bước đến trường cho các em học sinh vượt khó hiếu học và hướng nghiệp cho nhóm yếu thế trong các khóa tu. Ban Thông tin Truyền thông với lợi thế thông tin mạnh, lan truyền nhanh là cơ hội lan tỏa những hoạt động lợi tha Phật giáo, những hình ảnh đẹp, những video ấn tượng trong khóa tu, để làm trang nghiêm Giáo hội, đây chính là “một kênh hoằng pháp” trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.
Điển hình khác, hiện nay đối với Ban Hoằng Pháp tỉnh phải dựa trên nhu cầu thực tiễn thời đại và tính năng hội nhập Phật giáo mới thực thi được nhiệm vụ quan trọng, đưa Phật pháp đến gần với con người. Công việc này, không đơn thuần là những bài thuyết giảng trên pháp tòa, mà phải vận dụng phương tiện hoằng pháp hiện đại. Bên cạnh kế hoạch thuyết giảng tại các đạo tràng, khóa tu, cần kết hợp chặt chẽ với Ban Thông tin Truyền thông tỉnh, mỗi thời đại đều có những phương cách Truyền thông – Hoằng pháp khác nhau nhằm đem giá trị Phật pháp phổ biến đến với mọi người dân trong các tầng lớp xã hội. Thực tế tại tỉnh, hoằng pháp vẫn chưa tận dụng được mạng xã hội một cách triệt để, mạng xã hội đã sẵn có và đang phát triển rất mạnh. Ở đó, hoằng pháp có thể tận dụng các lợi ích, đẩy mạnh hoằng pháp thông qua nhiều mảng, trực tiếp và online, mở các lớp tập huấn, toạ đàm chuyên đề, mở chiến lược hoằng pháp ở các vùng xa còn yếu.
Tương tự, Ban Văn hoá kết hợp Ban Thông tin Truyền thông thống kê các ngôi chùa, phân thành nhiều khu vực, lên kế hoạch viết và xuất bản sách về các lĩnh vực: lịch sử các ngôi chùa, lịch sử danh tăng của tỉnh, các lễ hội văn hoá Phật giáo (kết hợp với Ban nghi lễ), nghệ thuật kiến trúc của các ngôi chùa trong khu vực tỉnh, thiết kế chương trình tổ chức các Lễ hội văn hoá Phật giáo lớn trong năm. Ban Văn hóa cho ra mắt những tác phẩm sách viết, Ban Thông tin Truyền thông với những hình ảnh, video tương tự sẽ được đăng tải trên youtube và các website chính thống của Phật giáo.
Vì thế, đây chính là sự cộng hưởng theo nguyên lý duyên sinh của Phật giáo, kết thành chuỗi liên hoàn giữa các Ban chuyên ngành tạo nên sức mạnh trung tâm cho Ban Trị sự GHPGVN tỉnh vững mạnh.
III. CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC TỔ CHỨC LỄ HỘI VĂN HOÁ PHẬT GIÁO
Từ lúc du nhập và phát triển đến nay, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, vì đạo pháp có tính cách hội nhập xã hội thể hiện tinh thần đời đạo dung thông. Vì thế, để lan toả Phật pháp đến với mọi giới trong xã hội, Ban Trị sự tỉnh cần chú trọng tổ chức các Lễ hội chính trong năm của dân tộc, làm nhịp cầu nối kết giữa cộng đồng xã hội với Phật giáo, hòa nhập Phật giáo vào lòng dân tộc một cách nhẹ nhàng.
3.1. Lễ hội truyền thống dân tộc
Lễ hội truyền thống dân tộc là những hoạt động mang tính chất cộng đồng, truyền tải nhiều thông điệp nhân văn và những yếu tố văn hóa truyền thống được duy trì và phát triển lâu đời, thu hút được mọi giới, mọi lứa tuổi.
Trên tinh thần hội nhập, Phật giáo tỉnh tổ chức các Lễ hội truyền thống dân tộc kết hợp các hoạt động văn hóa, Lễ hội như: Lễ Cầu an đầu năm và Tết cổ truyền để làm ấm lại tinh thần tri ân nguồn cội, tôn tạo thêm nét văn hóa của dân tộc đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm, gửi ước nguyện bình an khởi đầu cho năm mới.
Tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo, được thể hiện rất rõ qua thư chúc Tết của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN: “Năm mới đến, tôi mong muốn Tăng Ni, Phật tử tiếp tục dấn thân nhập thế hơn nữa, làm tốt đời, đẹp đạo; đồng thời không ngừng tinh tấn tu tập, tịnh hóa tam nghiệp bằng cách thực hành các pháp môn tu tập truyền thống, trừ bỏ gốc rễ của khổ đau: tham, sân, si. Chỉ có sự tịnh hoá tam nghiệp mới kiến tạo một nhân gian tốt đẹp thực sự, không tai ương dịch bệnh”.
Trong các Lễ hội đầu năm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, tùy theo vùng miền có thể thiết kế Lễ hội mang đậm bản sắc vùng miền nơi diễn ra Lễ Khai xuân và Cầu an đầu năm, thuyết giảng, tụng kinh, triển lãm tranh, ảnh, tượng, đá nghệ thuật Phật giáo và dân tộc, văn nghệ Phật giáo và mừng xuân, hội chợ Văn hóa phẩm Phật giáo, hội chợ ẩm thực chay.
Đây là những hoạt động đặc sắc có giá trị văn hóa tâm linh, góp phần tôn tạo phong phú thêm cho nền văn hoá truyền thống nói chung, văn hoá Phật giáo nói riêng, cũng là cơ hội cho đồng bào Phật tử, hướng tâm nguyện cầu lan tỏa nguồn năng lượng an lành trong năm mới đến với chúng sinh. Những người mến mộ Phật giáo và những người chưa vào đạo cũng có thể tham dự, thưởng lãm để có được những phút giây hướng về cội nguồn truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc và những giá trị tâm linh chân thiện mỹ trong cuộc sống.
Tế Trung thu còn gọi là ngày Tết thiếu niên nhi đồng, một trong những ngày lễ quan trọng trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, gắn liền với ngày Rằm tháng Tám âm lịch – ngày lễ Phật giáo. Ban Trị sự tỉnh, các Ban chuyên ngành, các ngôi chùa nên đẩy mạnh thành một “phong trào” tổ chức Trung Thu cho thanh thiếu nhi.
Thông qua đây cũng là hình thức giáo dục cho các em được trải nghiệm những trò chơi dân gian, nhận thức về những giá trị văn hóa truyền thống cần được tôn vinh và giữ gìn, để làm đẹp hơn cho thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm ấm hơn cho ý nghĩa đoàn viên của Lễ hội Trung thu truyền thống. Đồng thời, mang ý nghĩa gắn kết sinh hoạt giữa Phật giáo với truyền thống dân tộc, cũng là nhân duyên để hoằng pháp, hóa đạo góp phần ươm mầm măng Phật giáo cho tương lai.
Vì thế, Tết Cổ truyền và Tết Trung thu với ý nghĩa bảo lưu nét văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, không giới hạn vùng miền, Lễ hội sẽ nhắc nhở những người con Việt Nam luôn di dưỡng tâm linh và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc dù bất kỳ nơi đâu.
3.2. Lễ hội văn hóa Phật giáo
Lễ hội văn hóa Phật giáo là hội tụ những tinh hoa văn hóa tâm linh đặc sắc của Phật giáo, được tổ chức dưới hình thức quy mô đa dạng, đáp ứng nhu cầu tâm linh cho đồng bào Phật tử về quy ngưỡng.
3.2.1. Lễ hội Rằm tháng Giêng kết hợp Pháp hội Dược sư đầu năm
Trong những dịp này, Ban Trị sự tỉnh chỉ đạo các Ban chuyên ngành phối hợp tích cực tổ chức Lễ hội thể hiện được mạch sống tâm linh qua nhiều chương trình sinh hoạt tu học. Tổ chức trì tụng Kinh Dược Sư, thuyết giảng về hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly, khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo.
3.2.2. Đại lễ Phật đản
Lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của nhân loại, được Unesco chính thức công nhận với mục đích nhằm tôn vinh các giá trị đạo đức, tư tưởng hoà bình, bình đẳng và bất bạo động của đạo Phật, là nhịp cầu kết nối giữa các quốc gia, các dân tộc trên thế giới trong tinh thần tương kính, bình đẳng.
Các Ban chuyên ngành phải dốc toàn lực kết hợp với Ban Trị sự tỉnh tổ chức các đoàn xe hoa, các đoàn xe đạp được trang trí cờ hoa rực rõ cùng tôn tượng đản sanh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni diễu hành khắp các con đường trung tâm thành phố của tỉnh, văn nghệ kính mừng Đại lễ Phật đản, khoá tu Phật đản, tổ chức hội chợ văn hóa phẩm Phật giáo, hội chợ ẩm thực chay, mời các doanh nghiệp Phật tử tham gia hội chợ và phát tâm hỗ trợ giảm giá, khuyến mãi các sản phẩm về những mặt hàng nhu yếu phẩm có lợi cho sức khỏe, trang thiết bị gia dụng hữu ích trong cuộc sống,… để thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự.
3.2.3. Lễ hội Vu Lan
Lễ hội Vu Lan từ lâu đã trở thành Lễ hội tình người mang đậm tính nhân văn, đồng thời thể hiện được sức sống văn hoá truyền thống hiếu đạo của dân tộc. Không chỉ tổ chức Đại lễ Vu lan Báo hiếu – Dâng pháp y ca sa tại các chùa, mà nên hướng dẫn Phật tử thể hiện thêm hạnh hiếu một cách thiết thực qua chương trình “Vu Lan xuống phố” hay “Vu Lan vào làng” tổ chức từng nhóm tình nguyện viên, chia từng con đường, từng góc phố cùng những phần quà nhỏ với những đóa hoa hồng. Tặng quà và cài lên áo cho những người mẹ, người cha đi trên đường, không phân biệt tôn giáo, chúng ta chỉ cần lan tỏa cho mọi người biết về Lễ hội Vu Lan tôn vinh hai đấng sanh thành, dần dần Lễ hội sẽ đi vào lòng người một cách tự nhiên. Những người được nhận sẽ vui mừng hoan hỷ, khi về nhà cũng là điều nhắc nhỡ con cháu nhớ về cội nguồn để tri ân. Đồng thời, thiết kế những góc chụp ảnh đẹp mang ý nghĩa tôn vinh cha mẹ, mọi người có thể quy tụ về chụp ảnh, quay video. Những tấm ảnh, clip video ấy sẽ là dấu ấn gợi nhớ về Lễ hội Vu Lan Phật giáo khi được mọi người đăng tải và lan toả trên mạng xã hội.
Đại lễ Phật thành đạo và các Lễ vía Bồ Tát Quán Âm, Lễ Vía Phật A Di Đà, Lễ vía Bồ Tát Địa Tạng – các ngày lễ mang đậm tính tâm linh để những người con Phật được ngồi lại chiêm nghiệm chính mình, khám phá Phật tâm, ngộ được Phật tánh. Đối với hàng Phật tử là dịp kết nối thiện duyên, hướng tâm tu học tìm về điểm tựa bình an, nên tổ chức các khóa tu, thuyết giảng, kinh hành, thiền tọa tăng thêm giá trị tâm linh trong các ngày Lễ vía.
Lễ hội là một nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa tâm linh của Phật giáo không chỉ thu hút Phật tử tại địa phương mà còn thu hút Phật tử khắp nơi về chiêm bái tu tập. Vì thế, cần có một không gian Lễ hội có ý nghĩa mang đến cho người tham dự cảm nhận được sự bình an và hạnh phúc.
IV. KẾT LUẬN
Có thể nói, bước chuyển thời đại trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh là sự trưởng thành vượt bậc trong thời gian qua, tất cả được kết hợp đồng bộ trên cả ba phương diện: trẻ hóa nguồn lực, số hóa quản lý và phát huy thế mạnh chuyên môn hóa của các Ban chuyên ngành, chú trọng phát triển công tác tổ chức Lễ hội văn hóa Phật giáo. Thực hiện tốt ba mục tiêu trên sẽ tạo nên một sức mạnh kép, các Ban chuyên ngành vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa tạo nên sức mạnh trung tâm cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh.
Để phát huy tính hiệu quả trên, các lãnh đạo đầu ngành không chỉ tích lũy kiến thức chuyên môn mà cần được tập huấn về kỹ năng quản lý, năng lực tổ chức, đặc biệt là phát triển tư duy, tầm nhìn nhằm trang bị đầy đủ năng lực, bản lĩnh để trở thành những Tăng tài lãnh đạo. Đồng thời, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh phải xây dựng chiến lược chủ đạo với tầm nhìn tổng quát, chọn đúng Ban, giao đúng việc, trao đúng quyền, để các Ban chuyên ngành thực thi có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Ban Trị sự tỉnh chính là điểm cầu kết nối các Ban chuyên ngành, các Ban cần phải đoàn kết – hòa hợp cùng đồng hạnh, đồng nguyện vì lợi ích chung của Giáo hội nói riêng, vì vận mạng của Phật giáo trong tương lai nói chung. Những thành tựu đã và đang đạt được sẽ là thành quả thiết thực của các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX được diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong tháng 11 năm 2022.
(Theo Tạp chí nghiên cứu Phật học)